Chỉ số tăng trưởng yếu là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp năng suất cao vẫn chưa thể tiếp cận với nguồn vốn cần thiết để có thể phát triển.
Số liệu GDP mới của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm nhất kể từ đầu những năm 1990. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết rõ họ cần làm gì để giải quyết vấn đề này: “bơm” tín dụng cho các doanh nghiệp tư nhân – những tổ chức tạo ra đa số việc làm và thúc đẩy tăng trưởng.
Chính phủ Trung Quốc đã đúng khi nhận định vai trò của khu vực tư nhân đối với toàn nền kinh tế. Các doanh nghiệp tư nhân tạo ra 80% việc làm và chiếm 60% mức tăng trưởng kinh tế và 50% tổng thu ngân sách tại Trung Quốc trong khi có mức nợ thấp hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp nhà nước. Kể từ tháng 5/2018, NHTW Trung Quốc đã liên tục cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại nhằm giải phóng thanh khoản, thúc đẩy các ngân hàng cung cấp tín dụng cho khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, chính quyền đã yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm thiểu rủi ro. Và các ngân hàng Trung Quốc coi các doanh nghiệp tư nhân nhỏ là nhóm đối tượng vay nhiều rủi ro nhất trong nền kinh tế. Khác với các doanh nghiệp nhà nước, những doanh nghiệp này không được chính phủ hỗ trợ và thường không có nhiều tài sản thế chấp.
Trong bối cảnh đó, các ngân hàng đã tìm ra cách cân bằng giữa hai yêu cầu bằng cách đưa ra một phương thức cho vay đặc biệt – chiết khấu chấp phiếu ngân hàng.
Trong hệ thống tài chính Trung Quốc, chấp phiếu ngân hàng đóng một vai trò quan trọng. Một doanh nghiệp có thể mua chịu hàng hoá của một nhà cung ứng bằng chấp phiếu được phát hành bởi ngân hàng bảo lãnh cho doanh nghiệp. Khi chấp phiếu đáo hạn, nhà cung ứng đổi chấp phiếu thành tiền mặt tương ứng tại ngân hàng. Sau đó, ngân hàng sẽ yêu cầu doanh nghiệp mua chịu nói trên thanh toán chấp phiếu.
Tuy nhiên, đôi khi, công ty nhận thanh toán bằng chấp phiếu cần tiền mặt trước thời điểm đáo hạn. Công ty này có thể tới bất kỳ ngân hàng nào và đổi chấp phiếu thành tiền mặt với giá trị thấp hơn giá trị của chấp phiếu theo tỉ lệ chiết khấu. Tóm lại, chiết khấu tương tự như khoản vay ngày lãi suất thấp. Tỉ lệ chiết khấu hiện tại là khoảng 3,6%/năm; hay nói cách khác, nếu đổi một chấp phiếu 100 nhân dân tệ (NDT) với kỳ hạn sáu tháng trước ngày đáo hạn, doanh nghiệp sẽ nhận được 98,2 NDT từ ngân hàng.
Trong một năm trở lại đây, lượng vốn mà các ngân hàng cho các công ty phi tài chính vay chủ yếu tăng trưởng chỉ nhờ chiết khấu chấp phiếu ngân hàng. Vào cuối tháng 4/2019, giá trị chấp phiếu ngân hàng được chiết khấu tăng 2,92 nghìn tỉ NDT (425 tỉ USD), tương đương 76% so với năm ngoái, chiếm 32% lượng tín dụng mới tại cùng thời điểm. Trong khi đó, nợ trung và dài hạn giảm 6% trong cùng kỳ xuống mức 5,53 nghìn tỉ NDT. Nợ ngắn hạn (chiếm 4% các khoản nợ mới) giảm 67%.
Với các ngân hàng, chiết khấu là một giải pháp tiện lợi cho rắc rối chính trị của họ. Hầu hết các doanh nghiệp đổi chấp phiếu chiết khấu đều là các doanh nghiệp tư nhân nhỏ – đối tượng được chính phủ hỗ trợ. Bên cạnh đó, chiết khấu là loại hình nợ doanh nghiệp an toàn nhất do một ngân hàng phát hành. Khi một doanh nghiệp nhận được tiền mặt, rủi ro từ đối tác sẽ do ngân hàng phát hành chấp phiếu nắm giữ.
Chấp phiếu ngân hàng có chiết khấu thực chất là nợ liên ngân hàng. Do đó, khoản vốn có rủi ro ngân hàng cần dự trữ cho chấp phiếu thấp hơn rất nhiều so với nợ doanh nghiệp thông thường. Điều này đặc biệt hữu ích khi các ngân hàng cần bù vốn lớn khi xoá bỏ nợ xấu.
Tuy vậy, chấp phiếu không thể thúc đẩy các hoạt động kinh tế. Các doanh nghiệp chắc chắn không mong muốn chiết khấu chấp phiếu. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động với biên lợi nhuận mỏng, và chiết khấu khiến lợi nhuận của họ sụt giảm. Chỉ khi rất cần tiền mặt, ví dụ để thanh toán lương, thưởng, thuế và phúc lợi xã hội, các tiện ích và lãi nợ, họ mới tìm đến chấp phiếu chiết khấu.
Dù chấp phiếu là một biện pháp hữu ích nhằm đem tiền về cho các doanh nghiệp đang “ngắc ngoải”, chúng không đem lại vốn đầu tư hay vốn hoạt động cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng. Do đó, các ngân hàng cần tăng cường các khoản cho vay thực (nhưng nhiều rủi ro hơn) cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn còn rất e dè trước phương án này.
Đối với ngân hàng trung ương, chiết khấu là câu trả lời cho vấn đề của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, các cơ quan chính phủ khác không có cùng quan điểm. Cuối tháng 6, một quan chức tại Cơ quan Kiểm toán Quốc gia cho biết môi trường cấp vốn cho các doanh nghiệp nhỏ về cơ bản không hề được cải thiện. Cho tới nay, chỉ có các nhà hoạch định chính sách và NHTW cho rằng mình đã giúp hệ thống tài chính quốc gia an toàn hơn, và đồng thời thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, họ sẽ sớm phải chọn lựa một trong hai mục tiêu để xây dựng và thực hiện chính sách.